Chuyên ngành: Khai thác Máy tàu biển

1. Chuyên ngành Khai thác máy tàu biển (Mã chuyên ngành: D102).

Shipping - Mạch máu của kinh tế toàn cầu

Vận tải biển được ví mạch máu của thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu với hơn 90% lượng hàng hóa giao thương quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Thế giời hiện có 118.928 tàu buôn (tính đến tháng 1/2023), chưa bao gồm các tàu chở khách. Con tàu container lớn nhất hiện nay là tàu MSC Tessa với sức chở 24 116 TEU (1 TEU tương ứng 1 container 20 feet), tàu có chiều dài 400 mét (gấp gần 4 lần chiều dài sân bóng đá quốc tế) và chiều rộng 61,5 mét.
Mỗi một con tàu là một "xã hội" thu nhỏ trên biển. Để vận hành "xã hội này", con tàu được trang bị vô số máy, thiết bị, hệ thống giúp tàu di chuyển và phục vụ việc xếp, dỡ, bảo quản hàng hóa, sinh hoạt của thuyền viên, hành khách trên tàu.
Shipping - Internaltional (Vận tải biển là Quốc tế)

Mọi máy móc, thiết bị, hoạt động trên tàu đều tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Để vận hành an toàn những máy móc hiện đại, cần một đội ngũ thuyền viên được đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, ở đó tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng bắt buộc. Thuyền viên trên tàu gồm các sĩ quan hàng hải (Deck Officers) trong vai trò phụ trách về hàng hóa và điều khiển tàu và các sĩ quan máy tàu biển (Engine Officers) phụ trách về kĩ thuật để đảm bảo mọi máy, thiết bị, hệ thống phục vụ luôn hoạt động tốt.

Mục tiêu của chương trình

"Chuyên ngành Khai thác máy tàu biển đào tạo cử nhân khai thác hệ động lực tàu biển. Người học sau khi tốt nghiệp có khả năng quản lý, khai thác, bảo dưỡng hệ động lực tàu biển. Chương trình đào tạo cũng cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và thái độ cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc quốc tế, có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, phục vụ phát triển kinh tế biển và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước".
Các sĩ quan máy tàu biển tốt nghiệp từ Khoa Máy tàu biển trực tiếp quản lý, giám sát, vận hành và tổ chức, thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị kỹ thuật trên tàu biển và các hệ thống liên quan tuân thủ các yêu cầu quốc tế về an toàn, an ninh, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Chương trình đào tạo Khai thác máy tàu biển cung cấp cho sinh viên kiến thức cần thiết để quản lý, giám sát, sử dụng và bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị và hệ thống sau đây:
- Động cơ diesel và các dạng động cơ khác như động cơ nhiên liệu kép, động cơ tuabin.
- Chân vịt và các loại thiết bị đẩy tàu.
- Máy phát điện và thiết bị, hệ thống điện động lực, điện điều khiển, điện sinh hoạt.
- Nồi hơi và thiết bị, hệ thống sử dụng hơi nước.
- Máy lạnh và hệ thống điều hòa không khí.
- Hệ thống bơm, van ống và các thiết bị phục vụ hoạt động của hệ động lực.
- Các thiết bị và hệ thống trên boong như các hệ thống cần cẩu, tời neo thủy lực.
- Các thiết bị và hệ thống đảm bảo ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
- Các thiết bị và hệ thống tiện nghi cho thuyền viên và hành khách.
Tất cả các hoạt động của tàu biển thương mại tuân thủ theo các quy định và luật lệ quốc tế. Do đó, yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và công việc đều cần phải đáp ứng với môi trường làm việc đa quốc tịch và quốc tế.
Vị trí của chuyên ngành Khai thác máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
- Chương trình đào tạo Khai thác máy tàu biển, thuộc Khoa Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, là cơ sở đào tạo đại học số một ở Việt Nam về đào tạo khai thác máy tàu biển với bề dày kinh nghiệm gần 70 năm (01/7/1956).

- Chương trình đào tạo Khai thác Máy tàu biển tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về đào tạo và huấn luyện thuyền viên theo Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi năm 2010 (STCW78/2010) của Tổ chức Hàng hải thế giới IMO.
- Chương trình đào tạo Khai thác máy tàu biển đã được kiểm tra và chứng nhận bởi Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (Asean University Network - AUN).

2. Việc làm và thu nhập
- Sinh viên Khai thác Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hướng tới vị trí việc làm Sĩ quan máy tàu biển mức vận hành (Engine Officer - Operating Level) trên đội tàu biển quốc tế theo quy định của Việt Nam và quốc tế (STCW78/2010).

Sinh viên tốt nghiệp Khai thác Máy tàu biển có cơ hội việc làm rộng mở. Một số công việc chủ yếu bao gồm:
- Trên tàu biển: Sĩ quan máy tàu biển
- Công ty vận tải biển: Quản lý vật tư, kĩ thuật tàu biển
- Tổ chức/công ty giám định/bảo hiểm: Đăng kiểm viên, giám định viên
- Công ty dịch vụ kỹ thuật: Kỹ sư lắp đặt, bảo hành, sửa chữa, tư vấn kĩ thuật
- Sản xuất công nghiệp, nhiệt điện: Kỹ sư quản lý, điều hành, vận hành, bảo trì, vật tư
- Giàn khoan, tàu chứa, nhà máy hóa chất/dầu khí: Quản lý, vận hành, lắp đặt, bảo dưỡng máy móc

- Sinh viên tốt nghiệp Khai thác máy tàu biển làm việc trên đội tàu quốc tế với chức danh sỹ quan máy có mức thu nhập từ 2500USD/tháng.
3. Điều kiện đảm bảo chất lượng

Đội ngũ giảng viên
Đội ngũ giảng viên Khoa Máy tàu biển, Đại học Hàng hải Việt Nam có kiến thức chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tế. Nhiều giảng viên có học vị Tiến sỹ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; hàng chục giảng viên là các máy trưởng hạng nhất, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trên tàu của các chủ tàu nước ngoài; nhiều giảng viên là các chuyên gia đầu ngành về máy tàu biển.
Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy
- Tàu huấn luyện VMU Việt Hàn hiện đại, có khả năng tiếp nhận đồng thời 200 sinh viên (Trường Đại học Hàng hải VN là cơ sở đào tạo duy nhất khu vực Đông Nam Á có tàu huấn luyện hiện đại).
- Phòng thực hành hệ động lực tàu biển.
- Phòng thực hành các thiết bị phụ tàu biển
- Phòng mô phỏng hoạt động buồng máy tàu biển.
- Phòng thực hành các hệ thống khí nén và thủy lực.
- Phòng thực hành các thiết bị tự động điều khiển.
- Phòng thực hành máy phát điện.
- Phòng thực hành hệ thống làm lạnh và container lạnh.
- Trung tâm huấn luyện thuyền viên (đào tạo về thuyền viên và các khóa huấn luyện).

4. Học phí và hỗ trợ học tập
- Sinh viên Khai thác máy tàu biển trả học phí theo mức chung của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

- Sinh viên có cơ hội nhận học bổng khuyến khích học tập, miễn giảm học phí, vay vốn ngân hàng quy định của Nhà trường và Nhà nước.
- Từ năm thứ nhất, sinh viên có thể đăng ký nhận tài trợ là học phí toàn khóa từ cách doanh nghiệp, với cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Khoa Máy tàu biển đã ký thỏa thuận về tài trợ học phí toàn khóa cho sinh viên với nhiều doanh nghiệp.
- Nhiều chủ tàu nước ngoài có chính sách tài trợ học bổng từ 50-150 USD/tháng đối với các sinh viên khá, giỏi và cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
- Sinh viên được hỗ trợ thực tập sĩ quan máy (engine cadet) trên tàu chạy quốc tế với mức lương 500-700USD/tháng.
5. Thời gian, khối lượng học tập, chuẩn đầu ra, bằng cấp
- Khung thời gian: 4 năm, bao gồm 12 tháng thực tập sỹ quan trên tàu (engine cadet). Trong đó, sinh viên thực tập 4 tháng trên tàu huấn luyện VMU Việt Hàn, thời gian còn lại sinh viên thực tập trên tàu thương mại chạy tuyến quốc tế (được hỗ trợ lương từ 500USD/tháng).

- Khối lượng chương trình: 135 tín chỉ, không bao gồm học phần Giáo dục thể chất và Quốc phòng – An ninh.

- Chuẩn đầu ra ngoại ngữ: Tiếng Anh TOEIC quốc tế 450

- Chuẩn đầu ta tin học: Chứng chỉ quốc tế MOS (Microsoft Office Specialist) Microsoft Word, Excel 700 điểm.
- Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng đại học Khai thác máy tàu biển (Bằng Cử nhân theo hệ thống văn bằng quốc gia).