Cơ khí - Động lực tàu biển

CƠ KHÍ - ĐỘNG LỰC TÀU BIỂN

Động lực tàu biển ví như trái tim khỏe của con tàu. Khoa Máy tàu biển, với lịch sử 65 năm, đã đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư máy tàu biển - nguồn nhân lực chủ yếu cho phát triển vận tải biển. Liên quan đến lĩnh vực máy tàu biển, Khoa Máy tàu biển hiện đang đào tạo 02 chương trình dựa trên nền tảng ngành Kỹ thuật cơ khí động lực:

- Khai thác máy tàu biển: Đào tạo sinh viên tốt nghiệp với chuẩn đầu ra đảm bảo điều kiện của sỹ quan máy tàu biển mức trách nhiệm vận hành (Engine Officer - Operating level);

- Thiết kế và sửa chữa máy tàu thủy: Đào tạo sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực để thiết kế, lắp đặt và sửa chữa các trang thiết bị hệ động lực. Sinh viên tốt nghiệp chương trình cũng có thể học gói bổ sung để đạt điều kiện sỹ quan máy mức trách nhiệm vận hành.

Các chương trình đào tạo cơ khí động lực tàu biển dựa trên nền tảng cốt lõi của kỹ thuật cơ khí động lực - là ngành khoa học công nghệ, ứng dụng các nguyên lý vật lý, khoa học và kỹ thuật, vật liệu,… để phân tích, thiết kế, chế tạo và bảo trì, bảo dưỡng các loại máy móc và hệ thống cơ khí, đặc biệt là các hệ thống động lực/năng lượng trang bị trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa, tàu biển. Kỹ thuật cơ khí động lực cần sự am hiểu về các mảng cốt lõi như cơ học, động lực học, nhiệt động lực học, khoa học vật liệu, phân tích cấu trúc và năng lượng. Ngoài những lĩnh vực cốt lõi trên, kĩ thuật cơ khí còn sử dụng các công cụ như thiết kế với sự trợ giúp của máy tính (CAD), và quản lý vòng đời sản phẩm để thiết kế và phân tích nhà máy sản xuất, thiết bị công nghiệp và máy móc, hệ thống nhiệt và làm lạnh, hệ thống giao thông, máy bay, tàu thủy, robot, thiết bị y học, vũ khí. Cơ khí động lực tàu biển nghiên cứu chuyên sâu về các thiết bị động lực trang bị trên tàu biển như các động cơ diesel công suất lớn, hệ động lực tuabin hơi, tuabin khí, truyền động chân vịt tàu thủy và các hệ thống phục vụ, điều khiển hệ động lực.

VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Sinh viên tốt nghiệp Cơ khí-Động lực tàu biển thường đảm trách vị trí việc làm tại các nơi sau:

- Trên các con tàu biển hiện đại: Đảm nhiệm các chức danh sỹ quan máy (Engine officers: Fourth Engineer; Third Egineer; Second Engineer; Chief Engineer) với nhiệm vụ khai thác tối ưu, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị hệ động lực trên những con tàu biển vượt đại dương.

- Tại các công ty vận tải biển: Quản lý kỹ thuật đội tàu biển, xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn tàu biển (Safety Management Systme) tư vấn cho sỹ quan thuyền viên trong việc khai thác vận hành hệ động lực tàu biển.

- Tại các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu biển, phương tiện thủy: Thiết kế hệ động lực; Triển khai công nghệ lắp ráp khi đóng mới tàu biển, phương tiện thủy; Xây dựng và triển khai quy trình sửa chữa, bảo dưỡng máy móc và toàn bộ hệ động lực tàu biển (khi tàu lên đà sửa chữa lớn và khi tàu đang khai thác).

- Tại các nhà máy chế biến, chế tạo trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hóa chất, dầu khí: Khai thác vận hành các dây chuyền chế biến, chế tạo, quản lý kỹ thuật, sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng các máy móc trong các nhà máy sản xuất.

CƠ HỘI VIỆC LÀM VÀ THU NHẬP

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành vận tải biển và sản xuất công nghiệp ở Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng, nhu cầu về nhân lực được đào tạo ngành Cơ khí-Động lực là rất lớn. Hầu như 100% sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Máy tàu biển đều nhận được đề xuất tuyển dụng ngay khi chuẩn bị tốt nghiệp. Về thu nhập, nếu lựa chọn các vị trí việc làm tại các nhà máy công nghiệp, thu nhập khởi điểm thường vào khoảng 10.000.000 VNĐ (mười triệu). Nếu lựa chọn làm việc trên các tàu biển với vị trí việc làm là thợ máy thì mức lương khởi điểm thường là trên 1000 USD. Nếu đảm nhiệm chức danh sỹ quan máy mức vận hành (Engine Officer - Operating Level) thì mức lương tối thiểu là khoảng 2000 USD.

Đặc biệt trong thời gian tới, Khoa Máy tàu biển sẽ đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có đủ điều kiện đảm nhiệm chức danh sỹ quan vận hành. Khi đó, chương trình đào tạo sẽ cung cấp tối thiểu 12 tháng thực tập cho sinh viên trên các tàu biển hiện đại. Trong thời gian thực tập trên các tàu biển, sinh viên sẽ được các công ty vận tải biển trả lương hoặc hỗ trợ chi phí tùy theo đóng góp.